Các công ty dùng nhiều hình thức khuyến mại khác nhau nhằm tăng doanh số bán hàng như bán hàng kèm theo quà tặng là hàng hóa không thu tiền, thẻ cào hoặc mở nắp trúng thưởng, tặng phiếu mua hàng, đổi bao bì đã sử dụng lấy quà tặng,…Bài viết này hướng dẫn cách hạch toán các trường hợp khuyến mại theo chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp hạch toán đúng đắn hơn loại nghiệp vụ này.
Công ty thực hiện các biện pháp khuyến mại để thúc đẩy doanh số bán hàng của mình nên công ty cần hạch toán các chi phí khuyến mại vào kỳ bán hàng được hưởng lợi lợi ích từ các chương trình khuyến mại này. Kỳ được hưởng lợi ích này không nhất thiết trùng với kỳ mà công ty chi trả khoản khuyến mại hay quà tặng.
Kế toán các chương trình khuyến mại “mua 10 tặng 1”, hoặc “mua A tặng B”
Trường hợp này kỳ được hưởng lợi ích của chương trình khuyến mại trùng với kỳ mà khoản quà tặng được chi trả. Kế toán hạch toán giá trị của quà tặng khuyến mại vào chi phí của kỳ bán hàng đồng thời với việc ghi nhận doanh thu bán hàng bằng bút toán:
Nợ TK Chi phí bán hàng
Có TK Hàng hóa, Thành phẩm
Giả sử Công ty thương mại X có chương trình khuyến mại mua bếp ga tặng chảo chống dính. Giả sử giá vốn bếp ga là 4.000.000 đ, giá bán 5.000.000 đ, thuế GTGT 10%, giá mua chảo chống dính làm quà tặng là 200.000 đ. Kế toán hạch toán như sau:
Phản ánh doanh thu bếp ga:
Nợ TK Tiền 5.500.000
Có TK Doanh thu 5.000.000
Có TK Thuế GTGT phải nộp 500.000
Phản ánh giá vốn bếp ga:
Nợ TK Giá vốn hàng bán 4.000.000
Có TK Hàng hóa 4.000.000
Phản ánh giá trị chảo chống dính khuyến mại:
Nợ TK Chi phí bán hàng 200.000
Có TK Hàng hóa 200.000
Kế toán các chương trình khuyến mại “cào trúng thưởng”, “giật nắp non trúng thưởng”
Trong kỳ bán hàng, khi phát sinh quà tặng cho khách hàng bằng tiền, hiện vật, kế toán ghi:
Nợ TK Chi phí bán hàng
Có TK Hàng hóa, Thành phẩm
Có TK Tiền
Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào số hàng đã bán và ước tính về giá trị các khoản quà tặng tương ứng sẽ phải thanh toán trong kỳ sau, kế toán ghi:
Nợ TK Chi phí bán hàng
Có TK Dự phòng phải trả
Sang kỳ sau, khi thanh toán quà tặng cho khách hàng liên quan đến doanh thu bán hàng kỳ trước, kế toán ghi:
Nợ TK Dự phòng phải trả
Có TK Hàng hóa, Thành phẩm, Tiền
Kế toán các chương trình khuyến mại “đổi vỏ hộp lấy quà tặng”, “bốc thăm mã số trúng thưởng”
Trong trường hợp này kế toán hạch toán tương tự trong các chương trình khuyến mại “cào trúng thưởng”, “giật nắp non trúng thưởng”. Trong kỳ bán hàng khi phát sinh các khoản quà tặng này kế toán hạch toán vào chi phí, cuối kỳ kế toán căn cứ vào ước tính về giá trị các quà tặng mà khách hàng có thể đổi hoặc nhận được trong kỳ sau, kế toán phản ánh vào chi phí và ghi nhận một khoản nợ phải trả tương ứng. Sang kỳ sau, khi khách hàng nhận quà tặng thì kế toán ghi giảm khoản nợ phải trả đã trích trong kỳ trước.
Ví dụ: Từ tháng 6/2014 đến tháng 2/2014, công ty sữa Y có chương trình khuyến mại “đổi 10 vỏ sữa B lấy 1 ba lô”[1], trong năm 2014, công ty đã bán được 10.000 hộp sữa loại này với giá bán 400.000 đ/hộp, giá vốn 300.000 đ/hộp, thuế GTGT 10%. Công ty ước tính có 60% khách hàng sẽ đổi vỏ hộp lấy quà tặng trong thời hạn của chương trình. Kế toán phản ánh doanh thu và giá vốn năm 2014 như sau:
Phản ánh doanh thu bếp ga:
Nợ TK Tiền 4.400.000.000
Có TK Doanh thu 4.000.000.000
Có TK Thuế GTGT phải nộp 400.000.000
Phản ánh giá vốn bếp ga:
Nợ TK Giá vốn hàng bán 3.000.000.000
Có TK Hàng hóa 3.000.000.000
Giả sử trong năm 2014, khách hàng đã thực hiện đổi 2.000 vỏ hộp sữa lấy 200 ba lô, giá trị ba lô là 150.000 đ/chiếc, kế toán phản ánh như sau:
Nợ TK Chi phí bán hàng 30.000.000
Có TK Hàng hóa 30.000.000
Cuối năm 2014, công ty Y ước tính số ba lô sẽ phải đổi cho khách hàng trong năm 2015 tương ứng với số sữa đã bán trong năm 2014 là: 10.000 x 60% – 200 = 400 ba lô. Giá trị tương ứng của số ba lô trên là: 400 x 150.000 = 60.000.000 đ. Kế toán ghi:
Nợ TK Chi phí bán hàng 60.000.000
Có TK Dự phòng phải trả[2] 60.000.000
Trên báo cáo tài chính năm 2014, công ty Y phản ánh tổng chi phí khuyến mại (nằm trong chi phí bán hàng) trên Báo cáo kết quả kinh doanh là 90.000.000 đ, đồng thời phản ánh khoản dự phòng phải trả về khuyến mại trên Bảng cân đối kế toán là 60.000.000 đ
Trong năm 2015, khách hàng thực hiện đổi 3.600 vỏ hộp sữa lấy 320 ba lô, kế toán phản ánh việc đổi ba lô cho khách hàng và hoàn nhập phần dự phòng phải trả trích thừa:
Nợ TK Dự phòng phải trả 60.000.000
Có TK Hàng hóa 48.000.000
Có TK Chi phí bán hàng 12.000.000
Kế toán các chương trình khuyến mại “bán hàng kèm phiếu giảm giá”
Về nguyên tắc, kế toán các chương trình khuyến mại này tương tự như các chương trình “cào trúng thưởng”, “đổi vỏ sản phẩm lấy quà tặng” như ở trên. Giả sử năm 2014, công ty Z có bán hàng theo chương trình “bán hàng kèm theo phiếu giảm giá”. Tổng giá trị các phiếu giảm giá tương ứng với số hàng đã bán trong năm 2014 là 200.000.000 đ. Công ty ước tính 40% khách hàng sẽ sử dụng phiếu giảm giá này. Trong năm 2014, khách hàng đã mua hàng dùng phiếu giảm giá có giá trị hàng (chưa thuế GTGT 10%) là 1.800.000.000 đ, giá trị các phiếu giảm giá dùng mua số hàng này là 50.000.000 đ. Kế toán ghi sổ doanh thu của hàng bán theo phiếu giảm giá như sau:
Nợ TK Tiền 1.930.000.000
Nợ TK Chi phí bán hàng 50.000.000
Có TK Doanh thu 1.800.000.000
Có TK Thuế GTGT phải nộp 180.000.000
Cuối năm 2014, kế toán phản ánh chi phí tương ứng với số phiếu giảm giá mà công ty dự tính khách hàng sẽ sử dụng năm 2015 là 200.000.000 x 40% – 50.000.000 = 30.000.000 đ vào chi phí bán hàng của năm 2014:
Nợ TK Chi phí bán hàng 30.000.000
Có TK Dự phòng phải trả 30.000.000
Hạch toán đúng đắn các chi phí đối với các chương trình khuyến mại của doanh nghiệp làm cho các báo cáo tài chính của doanh nghiệp phản ánh một các đúng đắn về tình hình tài chính cũng như tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Trên đây là một số ý kiến cá nhân về việc hạch toán các chương trình khuyến mại căn cứ vào chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện hành, với hy vọng giúp các doanh nghiệp hạch toán nghiệp vụ liên quan đến các chương trình khuyến mại một cách hợp lý hơn, tác giả rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các bạn đọc.
[1]Các chương trình đổi vỏ hộp lấy quà tặng có thể phức tạp hơn: giá trị của quà tặng phụ thuộc vào số vỏ hộp được đổi: ví dụ 5 vỏ hộp được 1 bình pha sữa, 10 vỏ được ba lô, 20 vỏ được 1 xe đạp,… Để đơn giản cho phân tích thì ở đây giả định công ty Y chỉ đưa ra một tỷ lệ đổi.
No comments:
Post a Comment